Hà Nội, ngày 28 tháng 2 năm 2022 - Hội thảo “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam” được tổ chức dưới hình thức trực tuyến bởi Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường hai năm kể từ khi thành lập
Ô nhiễm nhựa là một thách thức lớn với thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng. Lượng rác thải nhựa quá cao gây ra gánh nặng với môi trường, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển và có hệ thống quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện như Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.
Ngày 19/2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 03 doanh nghiệp: Dow, SCG và Unilever Việt Nam đã tiên phong đề xuất sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa (gọi là Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa).
Hợp tác nhằm chung tay hành động để giải quyết vấn đề rác thải nhựa thông qua việc đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn, quản lý vòng đời sản phẩm và tiếp cận các nguồn nguyên liệu bền vững, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trên quy mô toàn quốc.
'Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng trong suốt 2 năm qua, Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa đã triển khai các hoạt động thiết thực bám sát 4 nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những thành quả tích cực.
Nhiệm vụ 1: Phân loại rác thải tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa
Các thành viên của Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa đã hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ triển khai thiết lập và thực hiện các dự án phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa; đến nay đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa.
Các dự án đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 1.200 lao động là đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật - giúp họ tăng cường đảm bảo vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom, tạo thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.
Nhiệm vụ 2: Truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động từ người dân
Nhiều chương trình hành động phối hợp với các đối tác đã được thực hiện, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thói quen của người dân đối với rác thải nhựa. Hoạt động phân loại, thu gom rác thải nhựa được tuyên truyền trực tiếp đến 18 phường xã , 41.400 hộ gia đình tại Hà Nội.
Các hoạt động giáo dục học sinh và hướng dẫn thu gom rác thải được tiến hành tại 32 trường học, tiếp cận hơn 15.000 học sinh tại Hà Nội và hơn 1.300 học sinh tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Chiến dịch “Hãy làm sạch bờ biển” thu hút sự tham gia của hàng ngàn sinh viên, tình nguyện viên nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi và cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường biển.
Hơn 50 cơ quan bộ ngành cũng tích cực truyền thông và lan tỏa cho dự án, bằng việc sử dụng 1.700 thùng rác đặc biệt sản xuất từ 30 tấn rác thải nhựa tái chế, có chức năng phân loại rác tại nguồn. Tổng thể, các dự án đạt hơn 12 triệu lượt tiếp cận thông qua các chiến dịch truyền thông đại chúng.
Nhiệm vụ 3: Áp dụng công nghệ - đổi mới và giải pháp tái chế trong quản lý rác thải nhựa
Các công nghệ và giải pháp khoa học từ các quốc gia tiên tiến liên tục được các thành viên Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa nghiên cứu và ứng dụng, với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất bao bì và hạt nhựa tái chế, như: biến rác thải nhựa thành vật liệu có ích trong xây dựng đường giao thông, thay thế từ 8 đến 10% nhựa đường trong công trình “Đường nhựa tái chế” , sản xuất bao bì có thể tái chế…
Nhiệm vụ 4: Đối thoại, xây dựng chính sách hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa
Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa đã tham gia vào Tổ Công tác Trách nhiệm Nhà Sản xuất Mở rộng (EPR), phối hợp cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường tuyên truyền phổ biến và tập huấn quy định về EPR, trực tiếp trao đổi và kêu gọi sự hỗ trợ từ cấp chính quyền địa phương để triển khai và thúc đẩy các mô hình thu gom phân loại rác tại địa phương, trường học.
Lộ trình hoạt động trong những năm tới
Từ những bước tiến lạc quan trong 2 năm qua, Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa tiếp tục đề ra lộ trình trong những năm tới, hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường:
Nhiệm vụ 1: Giáo dục thay đổi hành vi
Các hoạt động được chú trọng bao gồm: (1) Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục nhằm thay đổi thói quen, khuyến khích hành động của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn trên quy mô toàn quốc; (2) Hỗ trợ phổ biến rộng rãi các quy định và luật trong quản lý và phân loại rác thải tại nguồn; (3) Phổ cập chuẩn hóa mô hình phân loại rác tại nguồn trên quy mô toàn quốc.
Nhiệm vụ 2: Phân loại rác tại nguồn
Từ những thí điểm thành công ban đầu, Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa sẽ đẩy mạnh các dự án và mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn, tiến tới nhân rộng trên toàn quốc, nhằm tạo và củng cố thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân. Các sáng kiến thu hồi bao bì nhựa, tái chế rác thải nhựa được tạo điều kiện thuận lợi để triển khai, nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam.
Một số dự án tiêu biểu:
- Hà Nội: Dự án Hợp tác quốc gia nhằm thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam, Mô hình thu gom phân loại rác tại nguồn - Đổi rác lấy quà, Dự án The Plastic Reborn tại Q.Hoàn Kiếm;
- Vũng Tàu: Dự án kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa - mô hình thí điểm cộng đồng tại Ấp 1, xã Long Sơn;
- Đồng bằng Sông Cửu Long: Dự án Không rác thải ra sông Mê Kông - mô hình thí điểm tại Chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn
Nhiệm vụ 3: Công nghệ & Sáng kiến trong tái chế
'Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa đặt ra mục tiêu nghiên cứu, áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa có giá trị thấp, từ đó nâng cao kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam:
'1. Khép kín vòng tuần hoàn: Áp dụng công nghệ tiên tiến, kết hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để thiết kế và sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa có thể tái sử dụng hoặc tái chế;
'2. Không rác thải: Tăng cường, thúc đẩy hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa tái chế.
Một số dự án tiêu biểu:- Đường nhựa tái chế
- Gạch, ngói sinh thái từ rác thải nhựa có giá trị thấp
- Hạt nhựa tái chế
- Năng lượng từ chất thải, biến chất thải nhựa thành RDF
- Bao bì tái chế: thúc đẩy sản xuất bao bì 100% có khả năng tái chế và tăng sử dụng bao bì từ nhựa tái chế
Nhiệm vụ 4: Đối thoại và chính sách Hỗ trợ phát triển Kinh tế tuần hoàn
'Tầm nhìn dài hạn cho nhiệm vụ này bao gồm:
- Hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đưa nhựa vào kinh tế tuần hoàn;
- Thúc đẩy các chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo;
- Đóng góp vào việc phổ biến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Chào đón 24 thành viên mới tham gia
Cũng tại hội thảo, Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa đã vui mừng chào đón 24 thành viên mới gia nhập ngoài 04 thành viên sáng lập ban đầu. Với thành phần đa dạng từ chính quyền địa phương, các công ty nhựa tái chế, trường học, tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp có cam kết cao về phát triển bền vững, chắc chắn Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa sẽ lan tỏa mạnh mẽ những thành tựu và nỗ lực bước đầu trong hai năm qua.
Hội thảo lần này hứa hẹn mang đến nhiều thay đổi bước ngoặt cho tiến trình xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường:
'“Việc thành lập và phát triển Tổ công tác Hợp tác Công - Tư tạo nên sức mạnh tổng hợp, thiết lập một mô hình hợp tác và cùng nhau giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại Việt Nam. Đây là một diễn đàn để khối Công và Tư cùng trao đổi các sáng kiến mang tính thực tiễn cao; đồng thời giúp Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nắm bắt được các vướng mắc, khó khăn mà khối Tư đang gặp phải để hỗ trợ và có những điều chỉnh chính sách phù hợp”.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam:
'“Hợp tác Công – Tư Quản lý Rác thải Nhựa là giải pháp cấp thiết và mang tính thực tiễn cao trong việc thúc đẩy mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa tại Việt Nam, hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường, từ đó góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về ‘0’ vào giữa thế kỷ của Chính phủ tại Hội nghị Khí hậu COP26 tại Glasgow.
Unilever Việt Nam sẽ cố gắng khai thác những lợi thế của mình nhằm đóng góp vào việc xây dựng kinh tế tuần hoàn của Hợp tác Công – Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa.
Các nhãn hàng của chúng tôi sẽ thực hiện các chương trình phát triển bền vững một cách nhanh chóng và triệt để nhất, bên cạnh đó đưa công nghệ phát triển bền vững và đổi mới vào chương trình phát triển sản phẩm, đồng thời hợp tác cùng mạng lưới đối tác để đưa các cam kết của chúng tôi được đi sâu và rộng hơn vào
Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam:
“Tại Dow, chúng tôi có trách nhiệm, cơ hội để tiên phong trong giải quyết những thách thức toàn cầu. Rất vui mừng khi thấy ngày càng nhiều các bên liên quan cùng chung tay thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Là công ty khoa học vật liệu, cung cấp giải pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức liên quan để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường và phát minh các giải pháp KH-CN để trực tiếp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và rác thải nhựa”.
Ông Thanapat Kaweetraiphop - Giám đốc Thương mại - Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn trực thuộc SCG:
“Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa tìm ra các giải pháp cho các dự án thí điểm liên quan đến quản lý rác thải nhựa tại Hà Nội, Cần Thơ và BR-VT, phù hợp với bối cảnh từng địa phương và có thể duy trì lâu dài. Để mở rộng khuôn khổ và quy mô sang các lĩnh vực khác, chúng ta cần sự hỗ trợ và hợp tác liên tục từ chính phủ và các đối tác trong chuỗi quản lý rác thải nhựa để xây dựng Kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững”.