Cam kết thực hiện mục tiêu “Mang cuộc sống bền vững trở nên phổ biến” trong hơn 25 năm có mặt tại Việt Nam, Unilever đã không ngừng nỗ lực xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển bền vững với chiến lược La bàn Unilever hướng đến sức khỏe hành tinh, sức khỏe và hạnh phúc của mọi người, cùng một xã hội bình đẳng và hòa nhập hơn.
Những nỗ lực này đã giúp Unilever Việt Nam được vinh danh Top 10 Doanh nghiệp Bền vững tại Việt Nam tại “Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2021” (Chương trình CSI 2021) do VCCI phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Unilever Việt Nam nhận được danh hiệu cao quý này, cho thấy cam kết, nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp.
Đồng thời, trong khuôn khổ Chương trình CSI năm nay, Unilever Việt Nam còn được vinh danh Top 5 Doanh nghiệp tiêu biểu có cam kết về bình đẳng giới tại nơi làm việc nhờ vào những nỗ lực thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong nhiều năm qua. Đây cũng là năm đầu tiên chương trình thực hiện đánh giá, biểu dương theo từng chuyên đề cụ thể trong phát triển bền vững doanh nghiệp.
Chương trình CSI được tổ chức hàng năm từ năm 2015 đến nay, với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp thuộc mọi loại hình và quy mô trên toàn quốc. Các giải thưởng của Chương trình được bình chọn trên Bộ chỉ số CSI (Corporate Sustainability Index), được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định là chỉ tiêu bổ sung hoàn hảo vào Bộ chỉ tiêu Phát triển doanh nghiệp mà Chính phủ công bố hàng năm vào ngày 13/10.
Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận tại Chương trình CSI 2021, vào ngày 8/12 vừa qua, Unilever Việt Nam còn vinh dự nhận Giải thưởng Trách nhiệm Xã hội (CSR Recognition Award) từ AmCham nhờ vào những nỗ lực và hoạt động hướng đến tạo dựng các giá trị kinh tế và xã hội dài hạn tại Việt Nam, đặc biệt là cam kết đồng hành và hỗ trợ đất nước, con người Việt Nam vượt qua giai đoạn đầy thử thách do dịch Covid-19.
'Giải thưởng CSR của AmCham được tổ chức nhằm vinh danh các doanh nghiệp thành viên thể hiện được sự quan tâm đến mối liên kết giữa hoạt động kinh doanh và xã hội, từ đó hướng đến phát triển bền vững về kinh tế và xã hội.
Chia sẻ từ các đại diện:
Ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại, Unilever Việt Nam
"Bên cạnh duy trì và phục hồi sản xuất & kinh doanh trong giai đoạn ‘bình thường mới’ như hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, từ góc độ của một doanh nghiệp đã gắn bó cùng Việt Nam hơn 25 năm qua, Unilever tin rằng các hoạt động phát triển bền vững càng cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Bởi phát triển bền vững và phát triển kinh doanh là hai yếu tố không thể tách rời. Chúng luôn đồng hành cùng nhau để hướng tới một đích đến là giúp doanh nghiệp và đất nước phát triển lâu dài và toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường.
Đồng thời, người tiêu dùng và xã hội cũng ngày càng quan tâm và xem trọng những hoạt động phát triển bền vững hơn bao giờ hết, từ đó kỳ vọng nhiều hơn ở các doanh nghiệp. Đây cũng là động lực thúc đẩy chúng tôi nỗ lực hơn nữa trên hành trình này."
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Hà Nội
"Dù trong giai đoạn đầy thử thách với nhiều sự bất ổn và lo ngại do dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, Unilever Việt Nam vẫn nỗ lực thúc đẩy các hoạt động trách nhiệm xã hội nhằm đồng hành cùng cộng đồng giải quyết các vấn đề do đại dịch gây ra.
AmCham xin chúc mừng Unilever Việt Nam đã đoạt Giải thưởng Trách nhiệm Xã hội. Những cam kết của Unilever về tính minh bạch trong hoạt động, năng lực quản trị và mô hình kinh doanh bền vững đã giúp truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp khác cùng thực hiện, từ đó giúp môi trường kinh doanh và xã hội trở nên tốt đẹp hơn."
Các hoạt động phát triển bền vững nổi bật của Unilever Việt Nam:
1. Cải thiện sức khỏe hành tinh
Chiến lược quản lý rác thải nhựa từ Unilever Việt Nam hướng đến hiện thực hóa cam kết không phát thải carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua chiến lược thu gom rác thải nhựa và chiến lược bao bì bền vững.
Trong đó, chiến lược thu gom rác thải nhựa thúc đẩy mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa do Unilever Việt Nam khởi xướng, giúp đưa nhựa quay trở lại phục vụ nền kinh tế, giảm khí thải nhà kính từ sản xuất nhựa. Unilever Việt Nam đã cùng URENCO xây dựng thành công 2 hệ thống phân loại và thu gom rác thải nhựa tại Hà Nội với hàng nghìn tấn rác thải được thu gom, cùng hàng trăm nghìn người được tiếp cận thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo.
Chiến lược bao bì bền vững của Unilever Việt Nam với cam kết “Ít nhựa hơn, nhựa tốt hơn, hướng đến không dùng nhựa” cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận bước đầu: giảm 55% nhựa nguyên sinh, 62% bao bì sản phẩm có thể tái chế, và 100% bao bì có sử dụng nhựa tái chế PCR.
Sản xuất bền vững nhằm bảo vệ môi trường cũng được Unilever Việt Nam chú trọng khi sử dụng 100% năng lượng tái tạo, tiết kiệm lượng nước tiêu thụ trong sản xuất, không có rác thải độc hại chôn lấp và trung hòa lượng carbon phát sinh.
Tái tạo thiên nhiên thông qua hoạt động trồng cây cũng được doanh nghiệp chú trọng, hướng đến trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2025 và góp phần hưởng ứng đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ.
2. Tăng cường sức khỏe và điều kiện vệ sinh
Chiến dịch “Vững vàng Việt Nam” do Unilever Việt Nam, đồng hành cùng Bộ Y tế, tiên phong thực hiện hướng đến sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Một chiến dịch truyền thông toàn diện phối hợp cùng Bộ Y tế đã được thực hiện nhằm tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh cá nhân và các phương pháp phòng chống Covid-19 đạt gần 750 triệu lượt tiếp cận (2020-2021). Bên cạnh đó, chiến dịch còn mang đến những hỗ trợ tức thì cho cộng đồng thông qua 2,5 triệu sản phẩm, hỗ trợ trực tiếp 2,6 triệu người từ 110 trung tâm cách ly, 500 bệnh viên, 28 CDC, 30 Đoàn Thanh niên, 27 Hội Phụ nữ, 3.000 trường học trên toàn quốc.
Chương trình “Trường học Xanh - Sạch - Khỏe” từ các nhãn hàng từ Unilever hướng đến nâng cấp cơ sở vật chất, truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh, góp phần giúp học sinh có môi trường học đường đạt chuẩn và mang mô hình chuẩn “Xanh - Sạch - Khỏe” đến cho hàng triệu học sinh tiểu học ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Lifebuoy vừa triển khai chương trình “Lifebuoy đi! Vì 10.000 trẻ em nông thôn Việt Nam” nhằm khuyến khích thói quen rửa tay cho trẻ, tạo “lá chắn” phòng bệnh lây nhiễm. Vim với hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn. P/S dạy trẻ thói quen đánh răng sáng và tối mỗi ngày thông qua chương trình “Bảo vệ nụ cười Việt Nam”. OMO khuyến khích trẻ em Việt tự tin lấm bẩn, vui chơi an toàn. Pureit dạy trẻ thói quen uống nước đun sôi hoặc nước đã lọc.
Chương trình “Hồi sinh Rác thải Nhựa” được Unilever Việt Nam thực hiện cùng VietCycle và Duy Tân giúp cải thiện sức khỏe và điều kiện sống cho người dân khi ưu tiên đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật tham gia vào chuỗi giá trị và mang đến cho họ các thông tin về đảm bảo điều kiện vệ sinh và an toàn khi thu gom rác thải nhựa, hỗ trợ thiết bị bảo hộ lao động...giúp cải thiện sức khỏe, nâng cao điều kiện sống và vực dậy hậu Covid-19.
3. Cải thiện sinh kế và đời sống
Các chương trình nâng cao quyền năng phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khỏe được Unilever Việt Nam không ngừng thúc đẩy nhằm đóng góp vào một thế giới bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái có thể sống cuộc đời mà họ mong muốn.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động kinh tế - xã hội, vì vậy Unilever đã tiên phong đồng hành cùng phụ nữ vươn lên và phục hồi kinh tế trong giai đoạn bình thường mới thông qua hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực kinh doanh và phát triển kinh tế, tăng tiếp cận tài chính và cơ hội truy cập nền tảng số.
Unilever Việt Nam tham vọng sẽ trao quyền, trao cơ hội bình đẳng để phát triển đến 1 triệu phụ nữ Việt Nam đến năm 2025.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) được Unilever Việt Nam đẩy mạnh thông qua việc ký kết cùng Văn phòng điều phối NTM Trung ương nhằm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu cụ thể: Thúc đẩy giữ gìn vệ sinh và thực hiện các tiêu chí về môi trường; Xây dựng và nhân rộng mô hình Làng bền vững, nông thôn mới cấp làng, xã; Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Tăng cường đối thoại chính sách trong xây dựng NTM.