Bao bì đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp của chúng tôi. Nó giúp chúng tôi phục vụ nhu cầu của mọi người trên toàn thế giới. Nó cho phép chúng tôi vận chuyển và bảo quản sản phẩm an toàn trong tình trạng tốt nhất. Nó còn đóng vai trò trung tâm trong trải nghiệm của người tiêu dùng và cách chúng tôi cung cấp các thương hiệu cao cấp.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận mối liên hệ giữa bao bì và ô nhiễm rác thải nhựa. Đây là một trong những thách thức về môi trường lớn và dễ nhận thấy nhất mà chúng ta đang phải đối mặt. Đó là lý do chúng tôi xác định nhựa là một trong bốn ưu tiên phát triển bền vững trong Kế hoạch hành động tăng trưởng của mình.
Chúng tôi đang nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề chính như giảm sử dụng nhựa nguyên sinh và phát triển các giải pháp cho vật liệu đóng gói bằng nhựa dẻo khó tái chế, bao gồm cả túi nilon.
Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể. Chúng tôi đã giảm 18% mức sử dụng nhựa nguyên sinh so với mốc năm 2019. Chúng tôi đã tăng mức sử dụng nhựa tái chế lên 22% trong danh mục toàn cầu của mình. Đồng thời, chúng tôi đã thử nghiệm nhiều mô hình tái sử dụng và tái nạp đầy trên toàn thế giới.
Tham vọng của chúng tôi là chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa thông qua giảm thiểu, tuần hoàn và hợp tác.
CIRCLE Alliance – dự án hợp tác công–tư mới trị giá 21 triệu đô la do Unilever, USAID và EY đồng sáng lập – nhằm mục đích hỗ trợ các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ trên toàn chuỗi giá trị ngành nhựa mở rộng các giải pháp hạn chế sử dụng nhựa, xử lý rác thải nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn phát triển mạnh mẽ. Dự án này đặc biệt tập trung vào phụ nữ, tlực lượng thu gom rác chính làm việc trong khu vực phi chính thức ở nam bán cầu.
Rebecca Marmot, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững của Unilever, cho biết: “Mô hình hợp tác tăng tốc doanh nghiệp của CIRCLE – được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa tài trợ và hỗ trợ kinh doanh theo yêu cầu – sẽ giúp mở rộng cả các giải pháp mới lẫn các giải pháp hiện có cho tính tuần hoàn của bao bì, bất kể là mô hình thúc đẩy thu gom và tái chế hay mô hình tái sử dụng–tái nạp đầy.
“Điều quan trọng là mô hình này sẽ hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cũng như chủ doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp các giải pháp dựa trên thị trường và có tác động mạnh mẽ nhưng quy mô hiện tại lại quá nhỏ để hoạt động theo nhu cầu của chúng tôi.”
Mặc dù trọng tâm ban đầu là Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Philippines, kế hoạch của CIRCLE là mở rộng sang các thị trường khác bằng cách thu hút các tổ chức mới để tăng nguồn vốn đầu tư.
Dự án này được thiết kế dựa trên các phương pháp tiếp cận thành công được phát triển bởi chương trình tăng tốc doanh nghiệp tạo tác động TRANSFORM do Unilever, Văn phòng Ngoại giao, Khối thịnh vượng chung và Phát triển của Vương quốc Anh cùng EY khởi xướng.
Đầu tư vào các dự án thúc đẩy thay đổi mang tính hệ thống
Khoản đầu tư của chúng tôi vào CIRCLE bao gồm khoản đóng góp bằng tiền mặt từ Quỹ Khí hậu & Thiên nhiên, nền tảng đầu tư hướng đến tác động mà chúng tôi sẽ đầu tư 1 tỷ euro (tương đương 1,1 tỷ đô la) vào năm 2030 nhằm mang lại tác động tích cực và lợi ích kinh doanh. Chúng tôi hướng đến mục tiêu thay đổi cách sản xuất sản phẩm và đưa sản phẩm đến cuối vòng đời bằng cách đầu tư vào các dự án thúc đẩy thay đổi mang tính hệ thống và hợp tác với các đối tác cùng bên đồng cấp vốn để mở rộng các giải pháp.
Chúng tôi còn đóng góp vào Ocean Fund của Circulate Capital để hỗ trợ cải thiện đầu tư và cơ sở hạ tầng tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, cũng như khu vực xảy ra tình trạng ô nhiễm nhựa đại dương đặc biệt nghiêm trọng Mỹ Latinh.
Tại buổi ra mắt trong Tuần lễ Đại dương Capitol Hill vào tháng 6, Giám đốc USAID Samantha Power cho biết: “Dự án CIRCLE Alliance kết hợp kinh nghiệm trao quyền cho phụ nữ trong chuỗi giá trị rác thải nhựa của USAID và mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với chính quyền quốc gia và địa phương – và tất nhiên là với xã hội dân sự. Unilever có kiến thức cũng như vai trò vượt trội trong chuỗi cung ứng nhựa. EY có kinh nghiệm cung cấp hỗ trợ chuyên môn giúp các doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển. Đây là nền móng đáng kinh ngạc dành cho CIRCLE Alliance.”
Gillian Hinde, Trưởng nhóm Trách nhiệm doanh nghiệp toàn cầu của EY, cho biết thêm: “Đáp ứng nhu cầu cấp thiết về hành động tập thể nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa tại nam bán cầu, CIRCLE Alliance đại diện cho một mô hình hợp tác công-tư đầy táo bạo. Cùng nhau, chúng tôi hướng đến mục tiêu hỗ trợ các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động khi họ ấp ủ sáng kiến và mở rộng các giải pháp dựa trên thị trường đối với vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, đồng thời tạo ra những công việc tôn trọng quyền con người dành cho lực lượng lao động xử lý rác thải, đặc biệt là phụ nữ.”
Để tìm hiểu thêm về các cam kết mới nhất của chúng tôi về khí hậu, thiên nhiên, nhựa và sinh kế, hãy truy cập Trung tâm Phát triển bền vững của chúng tôi.