Là một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng, gắn bó với đời sống và phong cách sống của hàng tỷ người trên thế giới và hàng triệu người tại Việt Nam, viễn cảnh tiêu dùng bền vững là một trong những điều mà Unilever luôn hướng tới.
Nguồn tài nguyên là hữu hạn, đặc biệt là những nguồn tài nguyên không thể tái tạo – như nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng của con người thì vẫn duy trì, thậm chí là ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở những thị trường mới nổi và khi dân số thế giới cũng ngày một tăng lên.
“Trung bình ước tính, cứ 10 đến 15 năm là Trái đất của chúng ta có thêm tầm 1 tỷ người. Đến năm 2050, con số này sẽ vào khoảng 10 tỷ người. Nhưng Trái đất thì không ‘nở’ to ra. Chúng ta chỉ có một hành tinh này để sinh sống và bảo vệ.
Vậy nên tính cấp thiết trong việc thúc đẩy phát triển bền vững – điển hình là tạo ra những tác động tích cực đến môi trường – là điều tất cả chúng ta cần chung tay thực hiện ngay để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng môi trường”, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam nhấn mạnh.
Một trong những giải pháp cho bức tranh tiêu dùng bền vững mà Unilever đang hướng tới chính là mô hình kinh tế tuần hoàn.
Mô hình này giúp giải quyết từ những mối bận tâm cấp thiết trước mắt, cho đến những vấn đề trong dài hạn của tương lai, như giúp giảm sử dụng các nguồn nguyên liệu không thể tái tạo, cắt giảm khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, giảm rác thải ra môi trường, cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả và bền vững hơn.
Một ví dụ điển hình tại Việt Nam mà Unilever luôn thúc đẩy đó chính là việc xây dựng và triển khai mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa.
“Bài toán về bao bì nhựa rất lớn tại Việt Nam và với Unilever nói riêng. Chính vì vậy, chúng tôi cần đảm bảo đến năm 2025, tất cả bao bì nhựa của Unilever phải có khả năng tái chế, giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì – đồng nghĩa cần tăng cường sử dụng nhựa tái sinh, đồng thời chúng tôi cần thu gom và xử lý lượng nhựa nhiều hơn lượng bao bì chúng tôi bán ra.
Chúng tôi mạnh mẽ trong tuyên ngôn của mình. Nhưng Unilever không thể làm một mình mà cần đến sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác, các doanh nghiệp xã hội, những nguồn đầu tư ‘xanh’ và sự chung tay của tất cả mọi người”, bà Bích Vân tâm huyết chia sẻ.
Vị Chủ tịch Unilever cũng nhấn mạnh, để giữ nhựa trong vòng tuần hoàn, chúng ta không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội. Có thể nói đây chính là mục tiêu kép – vừa tăng trưởng kinh tế, vừa thúc đẩy xã hội và môi trường phát triển – mà mọi doanh nghiệp ngày nay nên hướng đến.
Một ví dụ điển hình tại Việt Nam mà Unilever luôn thúc đẩy đó chính là việc xây dựng và triển khai mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải
Nhựa với 4 nhiệm vụ trọng tâm:
- Xây dựng hệ thống phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải nhựa;
- Áp dụng khoa học – công nghệ vào quản lý rác nhựa;
- Nâng cao ý thức người dân;
- Đối thoại chính sách.
Trong đó, phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải nhựa là vấn đề mấu chốt và tiên quyết để đưa rác thải nhựa quay về vòng tuần hoàn, biến rác thải nhựa trở thành nguồn tài nguyên cho hoạt động sản xuất bao bì tại Unilever. Đây cũng là hoạt động giúp doanh nghiệp hoàn thành cam kết đến năm 2025 sẽ thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra.
Đồng thời, Unilever là đơn vị tiên phong tại Việt Nam đồng hành cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường xây dựng và dẫn dắt chương trình Hợp tác Công – Tư thúc đẩy mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa, đặt những viên gạch đầu tiên tạo điều kiện cho việc xây dựng sức mạnh tổng hợp giữa khối công và tư, cùng nhau xây dựng và triển khai nền kinh tế tuần hoàn không chỉ trong ngành hàng tiêu dùng mà còn trên toàn quốc.
Đến nay, Unilever Việt Nam đã thu gom hơn 12.000 tấn rác thải nhựa, đồng thời có đến 72% bao bì từ doanh nghiệp có khả năng tái chế, cũng như doanh nghiệp đã giảm 55% lượng nhựa nguyên sinh thông qua sử dụng PCR và cắt giảm sử dụng nhựa nguyên sinh.