Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ tại Việt Nam mà còn trên bức tranh tổng thể của toàn thế giới. Một trong ba trụ cột chính giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện tại nước ta chính là xây dựng nền kinh tế số, giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới do COVID-19.
Từ góc độ của doanh nghiệp hàng tiêu dùng, điển hình là Unilever Việt Nam, chuyển đổi số không chỉ giúp “nạp nhiên liệu” cho hầu hết các hoạt động mà còn thúc đẩy hiệu quả, đổi mới và nâng cao vị thế của doanh nghiệp.
Sản xuất bền vững và hiệu quả
Quá trình chuyển đổi số tại các nhà máy cũng như những bộ phận khác của của Unilever Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2018.
Hai cụm nhà máy tại Bắc Ninh và Củ Chi của Unilever đã xây dựng và tiến hành thực hiện lộ trình hiện đại hóa, chuyển đổi số cho giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2024.
Các nhà máy đã tiến hành chuyển đổi từ hoạt động vận hành sản xuất thủ công chủ yếu dựa trên sức người và quản lý dữ liệu rời rạc sang tự động hóa thông minh, sử dụng robot trong nhà máy, và hướng đến đạt 100% mục tiêu tự động hóa thông minh đến năm 2024.
Đồng thời, quá trình quản lý và sử dụng dữ liệu cũng được nâng cấp với hệ thống kết nối vạn vật (IoT – Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua siêu ứng dụng cho phép đồng bộ hóa tất cả các phản hồi và thông tin về một hệ thống để phân tích và xử lý.
Đến nay, nhà máy của Unilever Việt Nam đang từng bước áp dụng hoàn toàn máy học (machine learning) và dữ liệu lớn (big data) vào hoạt động sản xuất, vận hành, thúc đẩy quá trình phân tích dữ liệu và dự báo, từ đó cải thiện hơn nữa hiệu suất vận hành và đón đầu xu hướng tương lai.
Một đóng góp ý nghĩa khác của quá trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa của doanh nghiệp hàng tiêu dùng chính là bảo vệ môi trường. Việc áp dụng công nghệ mang đến các giải pháp giúp cắt giảm khí carbon, tiết kiệm nước và năng lượng...trong sản xuất.
Tiếp thị và kênh phân phối số
Bên cạnh các hoạt động sản xuất tại nhà máy, Unilever Việt Nam cũng tận dụng công nghệ số để chuyển đổi cách tiếp cận người tiêu dùng thông qua tiếp thị dựa trên dữ liệu (data-driven Marketing).
Xác định dữ liệu chính là “nhiên liệu” cho tương lai, các nhãn hàng tại Unilever Việt Nam đã chuyển đổi sang mô hình tiếp thị mới, chú trọng vào hiệu suất, hướng thông điệp chính xác tới khách hàng mục tiêu, trong thời gian thực và có tính cá nhân hóa. Các nhãn hàng còn đưa machine learning, AI hay những công nghệ mới như công nghệ thực tế mở rộng (XR) vào hoạt động tiếp thị, giúp mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.
Tiếp đến, Unilever Việt Nam còn chú trọng vào chuyển đổi mô hình bán hàng số, đa kênh, kết nối bởi dữ liệu. Bên cạnh kênh truyền thống và kênh hiện đại, sự dịch chuyển sang các kênh bán hàng online và các kênh bán hàng mới nổi đặt ra đòi hỏi doanh nghiệp hàng tiêu dùng đưa ra các phương thức làm mới mình ngay cả ở kênh truyền thống.
Điển hình, Unilever Việt Nam đã triển khai ứng dụng OrderUNow, giúp số hóa cho hơn 170.00 cửa hàng tạp hóa, bán lẻ khắp mọi miền đất nước. Đơn vị cũng dẫn đầu ở mô hình Trực tiếp đến Khách hàng (D2C) thông qua hệ sinh thái thương mại điện tử UShop - chuyên bán các sản phẩm của Unilever. Đồng thời, Unilever còn là thương hiệu được yêu thích tại các sàn thương mại điện tử và là đối tác chiến lược trong mô hình bán hàng đa kênh với các chuỗi siêu thị.
Phát triển con người
Unilever Việt Nam cực kỳ chú trọng vào xây dựng các hoạt động được dẫn dắt bởi dữ liệu trong nội bộ doanh nghiệp. Xây dựng và thiết kế hệ thống nền tảng, cùng với việc trang bị kĩ năng quản trị dữ liệu là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội để hơn 10.000 người trong chuỗi giá trị của Unilever Việt Nam chuẩn bị cho mình những kiến thức và hành trang cho tương lai, cũng như đưa ra những quyết định dựa trên dữ liệu.
Nhu cầu số hóa và áp dụng khoa học – công nghệ còn thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển nền tảng số trong doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện cho việc phát triển các kỹ năng, kiến thức về công nghệ cho lực lượng lao động cũng như nâng cao tiêu chuẩn số của nền kinh tế nói chung.