Bỏ qua Nội dung

Phỏng vấn về mục tiêu bình đẳng giới tại Unilever

Đã phát hành:

Unilever Việt Nam vừa vinh dự nhận Giải Nhất ở hạng mục “Bình đẳng giới tại thị trường” của giải thưởng WEPs năm 2021, và đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ khác nhờ vào những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới từ công ty và các nhãn hàng trong hơn 25 năm qua.

Sứ mệnh của Unilever là “Mang cuộc sống bền vững trở nên phổ biến” đến hàng triệu người dân Việt Nam. Chính vì vậy, doanh nghiệp luôn đẩy mạnh các chương trình phát triển bền vững với sự góp sức không nhỏ từ các nhãn hàng – là nguồn động lực thúc đẩy những điều tốt đẹp tại Unilever. Trong đó, bình đẳng giới là một trong những cam kết xã hội mà doanh nghiệp đặc biệt chú trọng trong hơn một phần tư thế kỷ có mặt tại Việt Nam thông qua hoạt động trao quyền cho phụ nữ.

Nhân dịp Unilever Việt Nam vừa được tôn vinh ở hạng mục “Bình đẳng giới tại thị trường” của giải thưởng WEPs năm 2021, cùng lắng nghe bà Trịnh Mai Phương – Phó Chủ tịch Nhân sự Unilever Việt Nam chia sẻ về hành trình nâng cao quyền năng phụ nữ, hướng đến bình đẳng giới tại doanh nghiệp FDI này.

Thưa bà, trao quyền kinh tế cho phụ nữ có ý nghĩa như thế nào tại Unilever Việt Nam?

Chúng tôi mong muốn trở thành một doanh nghiệp hòa nhập để đóng góp vào một thế giới bình đẳng, không phân biệt giới tính, vùng miền, tôn giáo, chủng tộc hay các đặc điểm khác. Điều đó có nghĩa là một thế giới mà ở đó mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có thể tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn, không bị gò bó bởi những chuẩn mực và định kiến xã hội.

Để đạt được cam kết này, Unilever đã thực hiện nhiều hành động nhằm trao quyền cho phụ nữ trong nội bộ công ty, trong toàn bộ chuỗi giá trị của chúng tôi và lan rộng ra toàn xã hội, đặc biệt là trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

Theo quan sát, việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội phát triển kinh tế thường bị cản trở bởi sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới. Một khi phụ nữ được trao quyền về kinh tế, họ không chỉ có thể làm chủ cuộc sống và tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng mà còn đặt nền tảng cho hành trình dài hạn hướng đến bình đẳng giới.

Do đó, trao quyền kinh tế cho phụ nữ là chìa khóa để Unilever Việt Nam thực hiện các cam kết xã hội của chúng tôi, không chỉ bình đẳng giới mà còn các mục tiêu bền vững khác, chẳng hạn như cải thiện sức khỏe và phúc lợi của con người, cũng như nâng cao mức sống.

Xin bà chia sẻ về những sáng kiến bình đẳng giới của Unilever và những tác động đến công ty và xã hội?

Mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới luôn được lồng ghép trong các chiến lược phát triển bền vững của Unilever kể từ những ngày đầu tiên chúng tôi có mặt tại Việt Nam. Trên hành trình đó, chúng tôi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong nội bộ và ngoài cộng đồng.

Trao quyền cho phụ nữ, nguồn động lực thúc đẩy bình đẳng giới, được đưa vào Kế hoạch Phát triển Bền vững của Unilever trong giai đoạn 2010-2020 như một mục tiêu quan trọng với những kết quả đáng chú ý. Chúng tôi đã giúp 3,7 triệu phụ nữ được cải thiện sức khỏe, điều kiện vệ sinh và hạnh phúc, 50.000 hộ gia đình được tiếp cận với quỹ tài chính vi mô và 1.000 phụ nữ được tham gia đào tạo và tài trợ cho khởi nghiệp kinh doanh với số vốn đầu tư 242 tỷ đồng.

Chúng tôi cũng luôn đưa lăng kính bình đẳng giới vào các chương trình cộng đồng, các hoạt động tiếp thị và quảng cáo của các nhãn hàng tại Unilever.

Điển hình, chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” từ Unilever Việt Nam, nhãn hàng Sunlight, phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được triển khai từ năm 2020, với mục tiêu hỗ trợ 1 triệu phụ nữ làm kinh tế đến năm 2025 thông qua các hoạt động truyền cảm hứng khởi sự kinh doanh, đào tạo và trang bị kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, hỗ trợ vốn, tư vấn và đồng hành trong suốt quá trình khởi nghiệp.

Nhãn hàng Sunsilk của chúng tôi mang đến chiến dịch “Bung mình tỏa sáng – Bung ước mơ riêng” đã mang đến nguồn cảm hứng để các bạn gái trẻ với những trăn trở sự nghiệp có thể tự tin và quyết tâm theo đuổi công việc mơ ước mà không bị giới hạn bởi những định kiến bất bình đẳng giới của xã hội.

Nhãn hàng Dove với chiến dịch “Mái tóc của tôi, lựa chọn của tôi” đã trở thành người bạn đồng hành cùng nữ giới để nói lên những câu chuyện, trải nghiệm của chính mình khi thể hiện bản sắc cá nhân, từ đó truyền cảm hứng cho phụ nữ để họ cảm thấy tích cực, tự tin về ngoại hình của bản thân, xóa bỏ những ám ảnh ngoại hình bởi những đánh giá, định kiến về giới của xã hội.

Trong nội bộ công ty, chúng tôi cũng thiết lập và luôn áp dụng nền tảng bình đẳng, với trọng tâm là thúc đẩy một nền văn hóa hòa nhập, xóa bỏ mọi định kiến, tôn trọng sự khác biệt.

Trên hành trình tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững với La bàn Unilever trong thập kỷ mới, chúng tôi kỳ vọng sẽ trao quyền, trao cơ hội bình đẳng để phát triển đến 1 triệu phụ nữ Việt Nam trong vòng 5 năm tới với 3 trụ cột chính, bao gồm: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; Nâng cao vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc và phát triển sự nghiệp; Loại bỏ những định kiến bất lợi làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ

Xin bà cho biết vai trò của khối tư nhân trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 của Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới?

Khối tư nhân đóng một vai trò quan trọng và đầy tham vọng trong các hoạt động hướng đến sự bền vững nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là mục tiêu số 5 – Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.

Đầu tiên, các nhãn hàng của Unilever với sứ mệnh hướng đến mục đích tốt đẹp và mức độ phủ sóng trên toàn quốc, năng lực đổi mới và khả năng phát triển, áp dụng các giải pháp mới một cách nhanh chóng của doanh nghiệp sẽ giúp chúng tôi có thể nâng cao nhận thức của mọi người về bình đẳng giới một cách rộng rãi thông qua các chiến dịch sáng tạo cùng những thông điệp táo bạo, cũng như nhờ vào việc tận dụng các nền tảng của tương lai như Thương mại Điện tử hoặc Omni-channel.

Bên cạnh đó, chúng tôi có thể tận dụng mạng lưới với hàng nghìn nhân viên, hàng chục nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà bán lẻ trong chuỗi giá trị của Unilever, hàng chục triệu người tiêu dùng trên toàn quốc để giới thiệu các hoạt động tiêu biểu về trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó kêu gọi mọi người cùng chung tay thực hiện và tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực đến các chuẩn mực xã hội và hành vi, giúp tạo điều kiện thúc đẩy bình đẳng giới.

Hơn nữa, chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với các các cơ quan Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ để đặt ra các mục tiêu và chương trình cộng đồng giúp hỗ trợ hàng triệu người trong xã hội.

Tất cả những điều này đều góp phần vào việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 của Liên Hiệp Quốc và tạo ra sự “Bình đẳng Thế hệ”, nơi bất kỳ phụ nữ và trẻ em gái nào cũng có thể tự do xây dựng và làm chủ cuộc đời mình muốn, từ việc được học tập và xây dựng sự nghiệp, đến đóng vai trò đưa ra các quyết định quan trọng của gia đình và xã hội.

Vì sao Unilever Việt Nam quyết định tham gia Giải thưởng WEPs 2021?

Tham gia Giải thưởng WEPs là cơ hội để chúng tôi chia sẻ các chiến lược và những hành động cụ thể nhằm đạt được cam kết bình đẳng giới. Qua đây ho vọng Unilever có thể trở thành nguồn động lực cho các doanh nghiệp và tổ chức có cùng chí hướng; đồng thời, chúng tôi cũng có thể học hỏi các chiến lược và hoạt động của những đơn vị này, từ đó cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng chung tay nâng cao văn hóa hòa nhập giới và thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

Ngoài ra, chúng tôi tin rằng những nỗ lực của Unilever trong việc thúc đẩy bình đẳng giới mà chúng tôi đã chia sẻ tại Giải thưởng WEPs cũng tạo động lực và truyền cảm hứng cho nhân viên, đối tác, người tiêu dùng của chúng tôi cũng như toàn xã hội để cùng nhau thực hiện nhiều hành động hơn nữa hướng đến trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.

Trở lại đầu trang