Sau giai đoạn 10 năm (2010-2020) thực hiện Kế hoạch Phát triển Bền vững (Unilever Sustainable Living Plan), Unilever tiếp tục hành trình phát triển bền vững tại Việt Nam với La bàn Unilever với 3 chủ đề lớn: Cải thiện sức khoẻ hành tinh; Cải thiện sức khoẻ, sự tự tin và hạnh phúc của mọi người; Đóng góp vào một thế giới công bằng và hoà nhập xã hội hơn.
Trong đó, mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới thông qua trao quyền cho phụ nữ thuộc chủ đề thứ hai, được Unilever tiên phong thực hiện trong suốt nhiều năm qua và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian sắp tới.
“Chúng tôi tham vọng sẽ trao quyền, trao cơ hội bình đẳng để phát triển đến 1 triệu phụ nữ Việt Nam trong vòng 5 năm tới với 3 trụ cột chính: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Nâng cao vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc và phát triển sự nghiệp, và Loại bỏ những định kiến bất lợi làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam nhấn mạnh về mục tiêu và hành động cụ thể của công ty trong giai đoạn mới.
Để thực hiện 3 trụ cột chiến lược này, hướng đến đạt được cam kết trao quyền cho 1 triệu phụ nữ đến năm 2025, Unilever Việt Nam đã và đang triển khai kế hoạch hành động cụ thể.
Thứ nhất, nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Unilever sẽ truyền cảm hứng cho các chị em phụ nữ, đặc biệt ở vùng nông thôn, hướng đến tư duy làm chủ kinh tế thông qua các buổi hội thảo và chia sẻ, các chương trình đào tạo trực tiếp tại hơn 20 tỉnh thành về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp kinh doanh quy mô gia đình.
Ngoài ra, Unilever còn cung cấp các khóa đào tạo trực tuyến trên nền tảng của Google để mở rộng cho phụ nữ trên toàn quốc. Quan trọng hơn nữa, công ty còn giúp phụ nữ tiếp cận với nguồn vốn từ quỹ tài chính vi mô để tự tin xây dựng doanh nghiệp riêng và cải thiện thu nhập.
Thứ hai, Unilever hỗ trợ nâng cao vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc và phát triển sự nghiệp thông qua các hoạt động như: chia sẻ các câu chuyện tiêu biểu trong việc thực hiện các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEP), xây dựng môi trường làm việc hòa nhập và bình đẳng giới; cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực của các đối tác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Thứ ba, để loại bỏ những định kiến bất lợi làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ, Unilever sẽ giúp nâng cao lòng tự tôn cho các bạn gái trẻ thông qua chiến dịch ủng hộ vẻ đẹp tích cực, khai phóng tiềm năng và khuyến khích các bạn gái theo đuổi ước mơ bằng việc tổ chức các khóa đào tạo tại các trường trung học, và cuối cùng là xây dựng khái niệm mới về vẻ đẹp tích cực thông qua các câu lạc bộ, các buổi chia sẻ và đào tạo tại trường học.
Mới đây, Unilever Việt Nam đã phối hợp cùng các đối tác tổ chức hội thảo trực tuyến “Phụ nữ vươn lên phục hồi kinh tế sau đại ịch Covid-19” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác động của đại dịch đến phụ nữ và trẻ em gái, chia sẻ những câu chuyện vượt khó của phụ nữ trong đại dịch, từ đó truyền cảm hứng đến các tổ chức, doanh nghiệp có cùng tầm nhìn và mục tiêu để cùng chung tay thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái.
Trong nửa đầu năm 2021, các chiến dịch trao quyền cho phụ nữ của Unilever đã tiếp cận 8 triệu người, hơn 30.000 phụ nữ tham gia huấn luyện online “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” và 60 phụ nữ tại nông thôn được tạo điều kiện khởi nghiệp. Những con số khởi đầu đầy khích lệ này đã tạo nền tảng giúp công ty tiếp tục đẩy mạnh hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng trong giai đoạn 5 năm tới.
Ngoài bình đẳng giới, hoạt động trao quyền cho phụ nữ cũng góp phàn thực hiện các cam kết phát triển bền vững khác tại Unilever, bao gồm: cải thiện sức khỏe và hạnh phúc cho mọi người, và nâng cao tiêu chuẩn sống.
Trước đó trong thập kỷ vừa qua (2010-2020), Unilever Việt Nam đã giúp 3,7 triệu phụ nữ Việt Nam cải thiện sức khỏe, điều kiện vệ sinh và an sinh xã hội. Tổng ngân sách Unilever dành cho các hoạt động thúc đẩy quyền năng phụ nữ, hỗ trợ sinh kế, giáo dục, giúp phụ nữ tự tin về vai trò và vị thế của mình trong gia đình cũng như xã hội là 242 tỷ đồng.