Bỏ qua Nội dung

Unilever tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam

Đã phát hành:

Hợp tác công tư về quản lý rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường ký với 3 doanh nghiệp hàng đầu đại diện khối tư sáng 19/2, mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

plastic waste management conference photo with certificates

“Đây là lần đầu tiên, một thoả thuận hợp tác xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa được ký kết giữa khu vực công và tư, trọng tâm vào xử lý rác thải nhựa, thu gom, tái chế sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chia sẻ tại Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về Hợp tác công tư, xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa sáng 19/2.

Thứ trưởng đánh giá cao sự tham gia chủ động, tiên phong của 3 doanh nghiệp – 3 thành viên đầu tiên của hợp tác, gồm Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam), công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam) và công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa dầu Long Sơn (SCG)

“Doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề, mà là thành phần then chốt của giải pháp”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.

ẢNH: Đại diện 3 công ty ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Tài Nguyên và Môi trường Từ trái qua, ông Ekkasit Lakkananithiphan - Tổng Giám đốc Dow Việt Nam, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Thị Bích Vân -Chủ tịch Unilever Việt Nam, ông Thanapat Kaweetraiphop, giám đốc thương mại công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn, chi nhánh của SCG Việt Nam

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đồng hành, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Các hoạt động trọng tâm gồm chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và đổi mới sáng tạo, đối thoại xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong tái chế, quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.

Đại diện khối tư, chủ tịch Unilever Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, doanh nghiệp này từ lâu đã hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho nhựa, nằm trong kế hoạch Phát triển bền vững Unilever (USLP).

“Nhựa là một trong những phát minh quan trọng và góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội và mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, chỗ của nhựa không phải là nằm ngoài môi trường. Vấn đề ở đây là cần đưa nhựa về đúng vị trí trong nền kinh tế, không chỉ ít nhựa hơn mà là nhựa tốt hơn, có thể tái chế, tái sử dụng, tự phân huỷ”, bà Vân chia sẻ.

plastic waste management conference woman speaker

Ảnh: Chủ tịch Unilever Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Vân.

Lấy dẫn chứng thực tế từ hoạt động kinh doanh, Unilever Việt Nam cho biết, năm 2019 Chủ tịch tập đoàn Unilever toàn cầu đã cam kết sẽ cắt giảm 50% lượng nhựa nguyên sinh, đồng thời tăng cường thành phần nhựa tái chế trong sản xuất bao bì đến năm 2025; 100% nhựa Unilever đưa ra thị trường phải là nhựa tái chế, tái sử dụng, tự huỷ được, đồng thời công ty sẽ hỗ trợ công tác thu hồi và xử lý bao bì nhựa nhiều hơn số lượng công ty đưa ra thị trường đến năm 2025.

“Kinh tế tuần hoàn là giải pháp bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam. Doanh nghiệp không thể thực hiện một mình mà cần sự cộng tác công – tư, khơi nguồn nhiều đơn vị cùng tham gia”, đại diện Unilever khẳng định, đồng thời kỳ vọng hợp tác không giới hạn ở số lượng 3, mà nhân rộng tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Chúng tôi rất tự hào là thành viên sáng lập mô hình Hợp tác công tư này để triển khai kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam,” Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam chia sẻ. “Là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp, Dow đang hợp tác với các đối tác để phát minh các sản phẩm mới, công nghệ tái chế và tạo ra thị trường tiêu thụ mới cho rác thải nhựa tái chế để giúp loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường.”

Ông Thanapat Kaweetraiphop, giám đốc thương mại công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn, chi nhánh của SCG Việt Nam cho biết thêm: “Để xây dựng kinh tế tuần hoàn, sự phát triển cơ sở hạ tầng dưới điều hành của Chính phủ, quy định nghiêm ngặt và quy trình xử lý rác thải khắt khe là không đủ. Việc hợp tác giữa các bên là yếu tố quan trọng để kinh tế tuần hoàn được thực hiện”.

plastic waste management conference group photo

Ảnh: Đại diện doanh nghiệp và Bộ Tài nguyên và Môi trường chụp ảnh kỷ niệm tại sự kiện.

Rác thải nhựa được coi là cuộc khủng hoảng toàn cầu và ở mức báo động tại Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường, mỗi phút có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được bán ra, khoảng 5 tỷ túi nilon sử dụng trên toàn thế giới. Với hệ thống quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện, rác thải nhựa là thách thức lớn với quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Thanh Trúc

Nguồn: VnExpress

Trở lại đầu trang