Bỏ qua Nội dung

Nếu Tết ta không còn?

Đã phát hành:

Những trải nghiệm tết, những điều chúng ta muốn làm cùng người thân cùng bạn bè khi mùa hạnh phúc nhất đang về có còn trọn vẹn khi người trẻ chúng ta sợ tết?

Vietnam kids drawing

Lang thang trên mạng những ngày giáp tết ta đọc được những tin tức về thực phẩm bẩn tràn lan dịp tết, nán lại cho một phóng sự ảnh ghi lại những khoảnh khắc đẹp tươi nô nức của khu chợ ngày tết, lướt qua vài bài báo tổng kết tình hình chính trị kinh tế của năm...

Những tin tức đó mang đến cho chúng ta những cảm xúc lẫn lộn vui - buồn, những đầy - vơi, những tích cực - tiêu cực mà thế giới chuyển động này đang phản ánh. Vậy bạn có muốn dành ra một chút quỹ thời gian bận rộn những ngày cuối năm này lắng nghe tâm sự của một bạn trẻ ngày Tết?

Bức thư mà MC Quỳnh Hương "thủ thỉ" trong chương trình Thay lời muốn nói số tháng 1 dưới đây, tôi chắc chắn rằng khi được nghe, nó sẽ nâng màu cảm xúc bạn tươi sáng hơn.

Bạn trẻ gửi thư về chương trình thương ba mẹ, muốn ở lại thành phố làm thêm xuyên tết. Một câu chuyện "tone" buồn điển hình của người trẻ.

Họ mâu thuẫn, mắc kẹt vào những câu chuyện tương tự, lắng lo về sự nghiệp, bất ổn về tình cảm, tài chính, không đạt được những kỳ vọng khi nhìn lại một năm đã qua, sợ hãi khi phải đối mặt với những người không thật sự hiểu mình, nghe được lời bàn tán không hay trong những cuộc gặp mặt sum vầy ngày Tết. Nên đôi khi chúng ta thèm cảm giác được nhỏ lại để không phải lo toan cái tết của người lớn...

Vậy thì những trải nghiệm tết, những điều chúng ta muốn làm cùng người thân cùng bạn bè khi mùa hạnh phúc nhất đang về có còn trọn vẹn khi người trẻ chúng ta sợ tết?

Cuộc sống vốn dĩ là một bức tranh nhiều màu sắc. Có người thiếu thốn tình cảm gia đình thèm những bữa cơm nhà, có người lại muốn vùng vẫy ra thế giới không muốn bám mãi "bể cá gia đình", có người lại áp lực cơm áo gạo tiền.

Có người dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nói chê bai hình thể, địa vị, tình yêu. Có người chán ghét việc Tết mà cứ phải vùi đầu vào gian bếp dọn dẹp, tất niên rửa chén liên miên suốt ba mùng. Có người cứ dậm chân mãi với những "list to do" năm này qua năm khác mãi chưa hoàn thành được với câu cửa miệng "để mai".

kids drinking coffee

Đấy, nếu phác họa một bức tranh người trẻ hiện đại bằng những nét vẽ thì những nét chì nguyên bản đó chính là chúng ta với muôn nỗi sợ vô hình đó mỗi khi tết về. Chúng ta đã ở cái tuổi chẳng còn nhỏ nữa để reo cười như một đứa trẻ khi được lì xì, cũng không quá "trải đời" để biết cảm giác làm cha làm mẹ nuôi con vất vả ra sao.

Chúng ta là đang ở cái tuổi giữa ngã ba đường, biết thương ba mẹ, biết ý thức bản thân mình cần làm gì, nhưng lại có chút bất lực vì một năm nữa đã trôi qua mà xem... ta vẫn ở giữa ngã ba.

Nhưng rồi nếu không chần chừ mà đi tiếp cuộc đời không chỉ vẽ ra ngã ba mà còn ngã năm ngã bảy, nghĩa là rồi thế nào cuộc sống cũng cho ta thêm nhiều cơ hội để chọn lựa. Vậy thì cớ gì mỗi năm Tết đến ta lại cứ lắng lo, thở dài mà không thử ăn Tết nhiều trải nghiệm để biết đời còn tươi, ta còn nhiều người để yêu?

Mỗi ngày sống 24 giờ, từ sáng sớm đến tối khuya, từ bình minh đến hoàng hôn dường như ta đang cố gắng lấp đầy cuộc sống này bằng công việc, nỗi lo cơm áo gạo tiền, vươn đến sự hoàn hảo.

Vietnam kid reading

Chúng ta quen rồi với những lịch trình khít đến từng giây, 30 phút ăn trưa, 1 tiếng họp với khách hàng, 2 tiếng cho một chiếc deadline... Nghĩ lại, cuộc sống có phải là sự lấp đầy thời gian một cách tuyệt đối đó không? Và chúng ta có thực sự hạnh phúc khi sống như vậy?

Vậy thì đâu là thời gian ta dành ra soi gương ngắm mình mỗi sáng, là biết khi xếp hàng chờ thang máy còn có những câu chuyện để hỏi thăm nhau tết bao giờ về quê.

Là những lúc dừng đèn đỏ thấy những người bán hoa đã bắt đầu chở những chậu cúc vàng tươi chen giữa dòng người, và những cuộc hẹn cafe sau giờ làm để hỏi han đã mua đồ tết chưa, là bâng quơ bên cửa sổ để ngắm những giọt mưa chuyển mùa báo hiệu mùa cũ đã đi qua, một mùa xuân nữa lại về.

Người trẻ chúng ta bận rộn công việc ngày tết, bỏ qua vài cuộc gọi nhỡ từ mẹ, vật lộn với deadline, khiến những ngày không kịp "chậm lại" ấy cứ dày lên mãi thì ta có đang thực sự sống, thực sự yêu, thực sự là người?

Thế nên chậm lại là để đừng nghĩ nhiều quá, đừng khắt khe với bản thân quá, đừng mưu cầu một cái tết hoàn hảo quá với những món ăn, tình yêu, sự nghiệp, lương thưởng mà hãy trải nghiệm từng phút giây như thiền sư Thích Nhất Hạnh từng triết lý về cuộc sống này:

Thức dậy miệng mỉm cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời

Là sống chậm lại để trải nghiệm, là hồn nhiên bình tĩnh để yêu thương, chứ không phải vội vã để lấp đầy một cái tết nhiều món ăn hình thức đẹp nhưng lại để nó trôi qua như nhấp một ngụm nước lọc chẳng có mùi vị gì.

Tết về đó phải là lúc được thả mình ngơi nghỉ, được dành thời gian tuyệt đối cho gia đình, được tha hồ ăn những món mình thích, diện những bộ cánh xinh tươi, để cùng nhau kết giao nụ cười, gieo mầm những tâm sự nhẹ nhàng, thô mộc, gần gũi...

kids decorating tree

Thật không dễ dàng gì để giữ miệng cười - mắt thương giữa nhịp sống ồn ào vội vã, giữa thời đại người ta coi Tết là xáo trộn cuộc sống thường nhật. Nhưng nếu không có tết ta sao có được dịp chuyện trò với chòm xóm nội ngoại, sao có những buổi cafe không check mail với bạn bè chẳng cần bận tâm từng giây đang tích tắc trôi.

Là dịp để nhìn lại một năm đã qua ta quen được ai, ta đã đi đâu, đã học hỏi được gì để nghĩ về năm mới với những hứa hẹn đong đầy…

Sống chậm lại để trải nghiệm nhiều hơn cùng gia đình, để nói xin chào với những lời kết giao chân thành, cảm ơn những người đã dành thời gian cho ta vào những thời khắc đặc biệt trong năm, để Tết là trọn vẹn yêu thương.

Thật ra ai mà không yêu tết, ai mà không nôn tết, những cảm xúc đợi tết ai mà không có, vì ai cũng yêu gia đình, ai cũng yêu truyền thống tốt đẹp, có chăng nhịp sống vội vã khắt khe này cùng những tủn mủn làm người ta càng lớn càng bớt yêu tết đi.

Nhưng mà để tìm lại cảm giác yêu tết là thế nào chỉ cần ra sân bay ga tàu những ngày cuối cùng của năm ta sẽ tìm lại được cảm giác ấy.

Bạn Minh Nhân Ngọc trong chương trình "Thay Lời muốn nói" của HTV số Tết mới đây nhất tâm sự: Có năm lúc em còn đi du học, em bay chuyến muộn của đêm 29 Tết về, thường thì sân bay rất ồn và nhộn nhịp, nhưng cái không khí của chuyến bay đó rất trầm. Ai cũng hối hả, ai cũng sốt ruột, ai cũng lặng thinh, tưởng chừng như những dồn nén của nỗi nhớ nhà sắp vỡ bung ra.

Chuyến bay đó, không ai quen ai cả, vì thường những gia đình về Tết đều về trước 29 rồi, chỉ còn sinh viên tỉnh lẻ, những người lao động nghèo mới về trễ đến thế này. Không ai nói với nhau một lời, chỉ mong được bay sớm, được về sớm, được về kịp. Thật là không thể nào diễn tả được tâm trạng của chuyến bay đó ngoại trừ chữ "Tết". Nó thiêng liêng lắm.

Nếu muốn biết ta yêu thương tết không cứ làm một phép thử giả như: Giả như Tết ta không còn nữa ta còn "thơ ơ" không? Điều gì sẽ làm ta hối tiếc nhất khi tết mất đi? Ta sẽ mong nhớ da diết nhất khoảnh khắc nào?

kids celebrating 2019

28 Tết, cả nhà lôi tất tần tật những thứ cũ kỹ ở xó xỉnh ra lau chùi ngán ơi là ngán. Nhưng khi nghĩ lại những khoảnh khắc ta trân quý nhất lại chính là ký ức dọn nhà ám ảnh trong nhật ký đó. Thế nên chuyện dọn nhà ngày Tết là một quãng thời gian gắn bao kỷ niệm, gắn bao tình thân gia đình.

29 Tết mỗi nhà góp chút tiền làm tất niên xóm thật linh đình. Chỉ có hai bàn mà các cô các chị thì cứ rôm rả rán nem, bày biện bao thức ăn.

Các anh, các chú thì tất bật dọn dẹp rồi hóa vàng. Ai cũng mong một năm mới xóm mình bình yên, nhà ai cũng khá giả lên để cái nghèo bớt đeo bám mà vui nhất vẫn là những "chén chú chén anh" trong mâm cơm. Mọi người nhờ men rượu hơi bia mà thủ thỉ tâm tình với nhau nhiều hơn, tình láng giềng vì thế mà cũng khăng khít hơn…

30 Tết mẹ quét tụm từng đụn hoa vàng, dành ra một khoảng trống rộng trước sân để bày bàn hương án "rước giao thừa" đón năm mới. Bên kia bên kìa hàng xóm, mấy cô mấy bác cũng vậy, cái xóm nhỏ sáng bừng, mùi hoa ngai ngái vàng rực, quyện theo gió loáng thoáng ấm nồng thùng bánh tét cạn nước vừa chín tới, pháo hoa nổ vang trời cũng là lúc nhà nào cũng vừa cúng giao thừa xong, lại hẹn nhau đi hái lộc đầu năm...

Cuốn phim đếm ngược ấy có phải là những khoảnh khắc đẹp nhất hiện diện đủ những con người ta yêu thương mà nếu Tết mất đi ta sẽ chẳng thể nào mua lại được ở bất cứ cửa hàng đĩa CD nào nữa, phải không?

Thiếu thốn đúng là bất hạnh nhưng thừa mứa cũng là bất hạnh. Nên Tết chẳng cần để ý người ta nói "sao béo thế, nay gầy thế", chẳng cần ta phải về nhà với "ba tầng bốn bánh", chẳng cần là "con nhà người ta" với điểm số hoàn hảo, là có người yêu xứng đôi vừa lứa.

Vietnam kids eating

Ta chỉ cần hạnh phúc với cơ thể hơi nhiều mỡ này, ăn những món ngon mẹ nấu mà không ngại body shaming, vẫn độc thân nhưng biết làm mình tươi mới, là đủ đầy niềm vui trong tim chứ không phải nhiều tiền trong túi. Là có nhiều hơn những trải nghiệm cùng gia đình, người yêu, bạn bè để "giàu" hơn những yêu thương chứ không phải chất đầy những bộn bề.

Tết này hãy để ta lại "lớn lên" như một đứa trẻ háo hức tết không sang chấn, không rạn vỡ, không lo nghĩ, không tính toán, không tổn thương. Vì ta đã từng như vậy mà, phải không?!

Thế nên là chiều tối nay tan làm muộn hãy gọi về nhà hỏi mẹ sắm sửa gì cho Tết chưa, là dừng đèn đỏ "chụp lại" những thanh âm nói cười rộn rã của nhóm bạn trẻ đi sắm tết, là đi làm về ghé qua cửa hiệu chọn cuốn lịch treo tường, là bớt đi những cuộc họp chè chén "tất niên" với bạn bè để về sớm ăn cơm nhà.

Hãy trải nghiệm Tết như là ta sẽ không còn thời gian nữa để thương yêu, là như lần cuối ta được gặp người bạn này để đánh dấu 365 ngày trong năm ta đã sống ý nghĩa như thế nào.

Chúng ta có thể áp lực vì những câu hỏi Tết này có khác tết xưa, có thể cảm thấy có lỗi với bản thân với gia đình khi mình chưa đạt được những kỳ vọng đã đặt ra nhưng đừng để những điều đó kẹt lại mãi trong lòng mình.

Vì bên trong ta còn có một chân trời dài rộng tít tắp để có thể khám phá cùng những người ta yêu mà nếu chưa trải nghiệm chính ta cũng sẽ không cảm được giới hạn của hạnh phúc, hiểu hơn yêu hơn những con người ta trân quý.

Vietnam kids cooking

Và sau rốt, chỉ cần từ bỏ những hoàn mỹ, sống giản đơn ta sẽ biết cách gọi tên Tết nay với những điều ý nghĩa để sau này nhìn lại nó sẽ là một cuốn film không bố cục nhưng có nội dung - Nội dung rực rỡ của xuân xanh đời người!

Nguồn: kenh14.vn

Trở lại đầu trang